Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đối với Người nộp thuế thiệt hại vật chất do ảnh hưởng của thiên tai

Bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Quảng Ninh đã gây thiệt hại nặng cả về người và của, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người nộp thuế (NNT). Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, NNT nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, cơ quan Thuế thông tin một số nội dung liên quan đến miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định tại các pháp luật về thuế như sau:

1. Quy định về miễn tiền chậm nộp thuế

- Theo quy định tại khoản 8 Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Khoản 3a Điều 23 Thông tư số 80/2021/TT-BTC: trường hợp NNT phải nộp tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 1 Điều này được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai. Số tiền chậm nộp được miễn là số tiền chậm nộp còn nợ tại thời điểm xảy ra thiên tai và không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm theo quy định (nếu có).

- Hồ sơ miễn tiền chậm nộp: quy định tại Điều 23 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính gồm:

(1) Văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp của NNT theo mẫu số 01/MTCN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC;

(2) Tài liệu xác nhận về thời gian, địa điểm xảy ra thiên tai của cơ quan có thẩm quyền (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của NNT);

(3) Văn bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của cơ quan tài chính hoặc cơ quan giám định độc lập (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

(4) Văn bản (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của NNT) quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại (nếu có);

(5) Các chứng từ (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của NNT) liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (nếu có).

2. Quy định về gia hạn nộp thuế

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Khoản 3a Điều 24 Thông tư số 80/2021/TT-BTC: NNT bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai được xem xét gia hạn nộp thuế một phần hoặc toàn bộ tiền thuế phải nộp trên cơ sở đề nghị của NNT. Số tiền thuế được gia hạn nộp thuế là số tiền thuế nợ tính đến thời điểm người nộp thuế gặp thiên tai nhưng không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm theo quy định (nếu có). Thời gian gia hạn nộp thuế không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

- Hồ sơ gia hạn nộp thuế: quy định tại Điều 24 Thông tư số 80/2021/TT-BTC gồm:

(1) Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của NNT theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC;

(2) Tài liệu xác nhận về thời gian, địa điểm xảy ra thiên tai của cơ quan có thẩm quyền (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của NNT);

(3) Văn bản xác định giá trị vật chất bị thiệt hại do NNT hoặc người đại diện hợp pháp của NNT lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu;

(4) Văn bản (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của NNT) quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại (nếu có);

(5) Các chứng từ (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của NNT) liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (nếu có).

3. Quy định về miễn thuế, giảm thuế

3.1. Về thuế Tiêu thụ đặc biệt:

- Tại Điều 9 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt quy định NNT sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai được giảm thuế. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).

- Thủ tục hồ sơ giảm thuế đối với thuế Tiêu thụ đặc biệt quy định tại Điều 55 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, gồm:

(1) Văn bản đề nghị theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC;

(2) Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã nơi xảy ra thiên tai theo mẫu số 02/MGTH ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC; Cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ, giá trị thiệt hại là cơ quan tài chính hoặc các cơ quan giám định xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản.

Trường hợp thiệt hại về hàng hóa: NNT cung cấp Biên bản giám định (chứng thư giám định) về mức độ thiệt hại của cơ quan giám định và cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của chứng thư giám định theo quy định của pháp luật.

(3) Báo cáo tài chính (nếu là doanh nghiệp) kèm theo giải trình phân tích xác định số bị thiệt hại, số lỗ do bị thiệt hại.

3.2.Về Thuế Tài nguyên:

- Tại khoản 1 Điều 9 Luật thuế Tài nguyên quy định: NNT tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

- Thủ tục hồ sơ giảm thuế đối với thuế Tài nguyên quy định tại Điều 56 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, gồm:

(1) Văn bản đề nghị theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

(2) Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài nguyên tổn thất của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn theo mẫu số 02/MGTH ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC.Cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ, giá trị thiệt hại là cơ quan tài chính hoặc các cơ quan giám định xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản.

(3) Trường hợp thiệt hại về hàng hóa: NNT cung cấp Biên bản giám định (chứng thư giám định) về mức độ thiệt hại của cơ quan pháp lý về tính chính xác của chứng thư giám định theo quy định của pháp luật, giám định và cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm.

3.3. Về thuế Thu nhập cá nhân:

- Tại Điều 5 Luật thuế Thu nhập cá nhân quy định: NNT gặp khó khăn do thiên tai ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

- Thủ tục hồ sơ giảm thuế quy định tại Điều 54 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, gồm:

(1)Văn bản đề nghị theo mẫu số 01/MGTH theo Phụ lục I - Mẫu biểu hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài Chính;

(2) Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn theo mẫu số 02/MGTH theo Phụ lục I - Mẫu biểu hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ, giá trị thiệt hại là cơ quan tài chính hoặc các cơ quan giám định xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản;

- Trường hợp thiệt hại về hàng hoá thì NNT cung cấp Biên bản giám định (chứng thư giám định) về mức độ thiệt hại của cơ quan giám định và cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của chứng thư giám định theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp thiệt hại về đất đai, hoa màu thì cơ quan tài chính có trách nhiệm xác định;

(3) Giấy tờ xác định việc bồi thường của cơ quan bảo hiểm hoặc thỏa thuận bồi thường của người gây hỏa hoạn (nếu có);

(4) Các chứng từ chi liên quan trực tiếp đến việc khắc phục thiên tai;

(5) Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu số 02/QTTT-TNCN theo Phụ lục I - Danh mục hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Phụ lục II - Mẫu biểu hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021/TT-BTC (nếu NNT đề nghị giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công).

3.4. Về Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:

- Tại khoản 9 Điều 9, khoản 4 Điều 10 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định: NNT gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất trên 50% giá tính thuế thì được miễn thuế. Nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất từ 20% đến 50% giá tính thuế thì được giảm 50% số thuế phải nộp.

- Thủ tục hồ sơ miễn thuế, giảm thuế đối với Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 57 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, gồm:

(1) Văn bản đề nghị theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC;

(2) Bản sao các giấy tờ liên quan đến thửa đất chịu thuế như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Quyết định giao đất, Quyết định hoặc Hợp đồng cho thuê đất, Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

(3) Bản sao Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Thủ trưởng cơ quan Thuế (nơi trực tiếp quản lý thửa đất) ban hành Quyết định miễn thuế, giảm thuế căn cứ hồ sơ đề nghị của NNT và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thiệt hại.

 Các khoản chi về thiên tai được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính đã được sửa đổi tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính và khoản 4 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính.

1. Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai không được bồi thường, cụ thể như sau:

- Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai. Phần giá trị tổn thất do thiên tai không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Hồ sơ đối với tài sản, hàng hóa bị tổn thất do thiên tai được tính vào chi phí được trừ như sau:

+ Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do doanh nghiệp lập.

Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa tổn thất phải xác định rõ giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những tổn thất; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có); bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

+ Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

+ Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

2. Đối với khoản Chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN phải đảm bảo điều kiện:

- Tài trợ cho khắc phục hậu quả thiên tai gồm: tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để khắc phục hậu quả thiên tai trực tiếp cho tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; cá nhân bị thiệt hại do thiên tai thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.

- Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của tổ chức bị thiệt hại do thiên tai (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là đơn vị nhận tài trợ (theo mẫu số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).

3. Đối với khoản chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai đây là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đảm bảo:

- Tổng số khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

- Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.

- Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Cơ quan Thuế thông tin đến NNT được biết, trường hợp có thiệt hại về vật chất do cơn bão số 3 gây ra thì chủ động nộp hồ sơ đến cơ quan Thuế quản lý trực tiếp để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật./.

Nguồn: Cục thuế tỉnh Quảng Ninh cung cấp

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9160 Tổng lượt truy cập 94792663